Tham dự chương trình có GS Hilde Schwab - Phu nhân của GS Klaus Schwab và cũng là người đồng sáng lập Quỹ hỗ trợ doanh nhân xã hội Schwab.
Cùng tham dự chương trình có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; lãnh đạo nhiều bộ, ngành cùng các vị khách quốc tế.
GS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN chủ trì cuộc tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới GS Klaus Schwab.
Đây là một sự kiện thú vị, đánh dấu sự trở lại của Việt Nam sau 15 năm của GS Klaus Schwab, nhằm động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo và quyết tâm vượt khó của sinh viên, thanh niên Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà các công nghệ mới, trí thông minh nhân tạo đã thay đổi căn bản cách chúng ta sống, học tập và làm việc. Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới trong kỷ nguyên này. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển đổi toàn diện nền kinh tế, nâng cao chất lượng giáo dục và định vị Việt Nam là một trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một lực lượng lao động trẻ, sáng tạo và nhiệt huyết, luôn sẵn sàng đương đầu với những thách thức của thời đại mới”.
ĐHQGHN luôn tự hào là một trong những cơ sở giáo dục và nghiên cứu hàng đầu của đất nước, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và khoa học. Theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, ĐHQGHN đã và đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại chương trình, GS Klaus Schwab nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia năng động và đang phát triển nhanh chóng. Từ lâu, WEF là đối tác của Việt Nam trong quá trình phát triển với nhiều hoạt động kết nối 2 bên. Một trong những mục tiêu của WEF là giúp đỡ Việt Nam thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần 4 tại TP Hồ Chí Minh. Đây là trung tâm thứ tại Đông Nam Á (sau Malaysia) và là trung tâm thứ 19 trên thế giới trong mạng lưới của WEF
Theo GS Klaus Schwab, hiện nay, những công nghệ mới, đặc biệt là AI sẽ thâm nhập vào các hoạt động, mang lại cơ hội mới về tài chính, dịch vụ, hành chính, những lĩnh vực đổi mới sáng tạo. “Như vậy, các bạn trẻ cần phải làm gì để chuẩn bị cho bản thân hướng tới xã hội mới. Tôi muốn chia sẻ đôi điều: Đó là cơ sở hạ tầng số sẽ đóng vai trò quan trọng với những công nghệ như 5G, tôi tin rằng ngài Thủ tướng của Việt Nam cũng chuẩn bị những đường hướng cho thời gian tới. Tài nguyên về con người, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng mềm, cần có cơ chế đào tạo lại, đào tạo nâng cao để cung cấp cho mọi người kỹ năng chuẩn bị cho thế giới mới với yêu cầu năng lực khác so trước đây. Cần hệ sinh thái kinh doanh, hệ sinh thái doanh nghiệp. Các bạn trẻ ở đây hãy cố gắng không chỉ làm cho doanh nghiệp lớn mà tôi muốn trong các em, ai mơ ước trở thành doanh nhân, nhà khởi nghiệp? Có lẽ điều chúng ta cần là công nghệ lõi để thúc đẩy việc này. Tôi được biết Việt Nam có kế hoạch đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong thời gian tới đây sẽ là điều quan trọng giúp Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới với những cơ hội mới...”, GS. Klaus Schwab bày tỏ.
“Chúng ta đang sống trong thế giới nhiều thay đổi. Tôi thấy thế hệ trẻ Việt Nam phản ứng lại rất lạc quan. Dựa trên sự lạc quan, tính xây dựng của các em, các em sẽ có cơ hội rất lớn để xây dựng tương lai Việt Nam”, GS Klaus Schwab khích lệ các bạn trẻ.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn sâu sắc GS Klaus Schwab và Phu nhân đã dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam và các bạn trẻ. Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng khi quan hệ giữa Việt Nam và WEF ngày càng chặt chẽ. GS Klaus Schwab luôn mời Việt Nam tham dự WEF thế giới, tạo điều kiện để Việt Nam giao lưu, làm việc, học hỏi kinh nghiệm với các tập đoàn kinh tế lớn. GS Klaus Schwab đã giúp Việt Nam xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần 4 tại TP Hồ Chí Minh.
“Tôi xin giới thiệu một chút về GS Klaus Schwab. GS sáng lập và điều hành WEF từ năm 1971 đến nay. Tầm nhìn chiến lược của GS và WEF được thế giới khẳng định trong hơn 50 năm phát triển của WEF và ngày càng được khẳng định trong việc nắm bắt những xu hướng mới toàn cầu và đề xuất giải pháp cho tương lai. Tôi rất ấn tượng về những tư tưởng lớn, có tầm nhìn chiến lược của GS. Klaus Schwab như chiến lược về Cách mạng công nghiệp 4.0. Giáo sư đã lựa chọn chủ đề cho Hội nghị WEF Davos năm 2025 sắp tới tại Davos, Thụy Sỹ là “Định hình kỷ nguyên thông minh”, cũng là tầm nhìn của WEF. Hơn 50 năm qua, GS. Klaus Schwab đã dẫn dắt WEF theo đuổi các tiếp cận đa phương, đa chiều, các vấn đề lớn của thế giới, góp phần giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về “kỷ nguyên thông minh”, theo Thủ tướng “sự thông minh” không chỉ đơn thuần là sự phát triển bùng nổ của công nghệ mới mà còn gắn kết, cộng hưởng ở nhiều khía cạnh rộng lớn khác, như từ khía cạnh kinh tế (thông minh phải thực sự chuyển hoá thành sự cải thiện về năng suất, trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế; từ khía cạnh xã hội (thông minh phải làm xã hội bình đẳng hơn, tự do hơn, bao trùm hơn và không ai bị bỏ lại phía sau; từ khía cạnh môi trường (thông minh phải đi đôi với sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển bền vững các nền kinh tế) và từ khía cạnh địa chính trị (thông minh phải kiến tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển, không để xảy ra chiến tranh).
“Trên hết, tôi cho rằng kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm và quan trọng hơn hết là làm cho mỗi chúng ta thấy hạnh phúc hơn, sáng tạo hơn và năng suất hơn”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, phát triển đất nước ta dựa trên 3 trụ cột chính: Xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do dân, vì dân và của dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Xuyên suốt là lấy con người làm mục tiêu, là động lực, là nguồn lực cho sự phát triển, không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Nói về về thách thức, Thủ tướng bày tỏ rằng, năm 2020, ai nghĩ rằng sẽ có một đại dịch COVID – 19, ai nghĩ tình hình thế giới lại chia cắt trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang được đề cao; ai nghĩ biến đổi khí hậu tàn khốc như thế. Mới nhất là cơn bão số 3, không ai có thể dự báo bão có thể giật cấp 17, lưu lại trong đất liền nhiều tiếng đồng hồ…Nhưng chúng ta đã hóa giải khó khăn, biến thời cơ thành thuận lợi. Hiện xu thế hợp tác, phát triển, hội nhập là không thể thiếu được, hội nhập mang lại nhiều lợi ích nhưng lại mang đến nhiều thách thức. Khi một vấn đề xảy ra, thì không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được, như đại dịch COVID – 19, vấn đề biến đổi khí hậu…
Do đó, phải đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Hiện chúng ta có nhiều thách thức lớn, đó là khoảng cách về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; quy mô kinh tế, nguồn lực còn khiêm tốn, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, dẫn đến nguồn lực (vồn, trí thức, nhân lực,…) còn hạn chế, thiếu khả năng nắm bắt, thích ứng và chống chịu trước những cú sốc bên ngoài; biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chúng ta có nhiều cơ hội. Đó là bản lĩnh Việt Nam, sự tự tin và tinh thần biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Đây là truyền thống quý báu, cũng chính là sự “thông minh” của dân tộc ta, để đi lên phát triển.
“Chúng ta phải bản lĩnh, tự tin, có khát vọng, sự bản lĩnh, tự tin này có cơ sở, đó là chúng ta có hơn 4000 năm lịch sử văn hóa hào hùng của dân tộc, chúng ta đã vươn lên khiến thế giới phải ngưỡng mộ. Chúng ta phải hoàn thiện thể chế. Có nguồn nhân lực. Có hạ tầng để phát triển thông minh, không thể thiếu hạ tầng điện, hạ tầng số, hạ tầng giao thông được. Càng thông minh, các hạ tầng này càng cần thiết.
Gần 40 năm đổi mới, từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, thoát khỏi chiến tranh, đến nay, chúng ta có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ kinh tế với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 16 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, đang đàm phán thêm 3 hiệp định nước. Nền tảng hội nhập chúng ta có, tại sao chúng ta không tự tin được?", Thủ tướng nói.
Về kỷ nguyên phát triển mới, tuổi trẻ phải có khát vọng, hoài bão, ước mơ, có tính chiến đấu cao để vươn lên bằng sức mạnh nội sinh. Chúng ta có đường lối đổi mới dựa trên nền tảng là chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống văn hóa hào hùng lịch sử hơn 4000 năm được vận dụng sáng tạo.
"Chúng ta tập trung vào giáo dục là quốc sách, tập trung đổi mới sáng tạo. Các bạn trẻ phải tiên phong, để làm mới các động lực tăng trưởng cũ, vào các nền kinh tế mới nổi, lấy tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2. Chúng ta phải quyết tâm làm bằng được. Chính các bạn sinh viên, thanh niên có mặt tại đây hôm nay sẽ là chủ nhân của Kỷ nguyên thông minh, chính các bạn sẽ là động lực cho sự vươn mình của dân tộc. Tôi tin các bạn có khát vọng, hoài bão, ước mơ, luôn có tư tưởng vượt qua giới hạn của bản thân, đương đầu với thử thách, tự tin, bản lĩnh vượt qua thách thức để đưa đất nước Việt Nam phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ kỳ vọng với thế hệ trẻ...